Lọc máu có phòng ngừa đột quỵ?
Tôi thừa cân, tăng huyết áp, nghe nói lọc máu giúp tránh được đột quỵ nhờ loại bỏ mỡ và các chất độc trong máu. Tôi có nên thực hiện không? (Thanh Sang, TP HCM)
Trả lời:
Lọc máu là chỉ định y khoa cho những trường hợp cần thiết, được
bác sĩ chỉ định và giám sát, theo dõi nghiêm ngặt. Phương pháp này thường được
áp dụng trong các trường hợp suy thận, suy gan, suy tim, nhiễm độc chất, nhiễm
trùng nặng... Lọc máu giúp loại bỏ độc chất, cân bằng các chất điện giải, kiềm
toan để ổn định tình trạng của người bệnh.
Thông
tin lọc máu giúp ngừa được đột quỵ là không chính xác. Nhiều
người lầm tưởng lọc máu góp phần lọc được mỡ và các chất độc trong máu, ngăn
ngừa tăng huyết áp và đột quỵ. Tuy nhiên, phương pháp này không lọc được mỡ trong
máu ra khỏi cơ thể.
Hướng dẫn phòng ngừa đột quỵ của Hiệp hội Đột quỵ Thế giới và
Hiệp Hội Đột quỵ Mỹ không đưa lọc máu vào danh sách các phương pháp phòng ngừa
đột quỵ.
Mọi người không nên nghe theo lời đồn chưa có căn cứ. Những biến
chứng có thể gặp trong quá trình lọc máu như tụt huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai
biến mạch máu não, rối loạn các chất điện giải, nhiễm trùng huyết. Các triệu
chứng khác có thể gặp là hội chứng bồn chồn, chuột rút, co giật, thậm chí có
thể tử vong.
Đột quỵ có khoảng 82-90% có thể phòng ngừa bằng cách ổn định
huyết áp - yếu tố nguy cơ lớn gây đột quỵ. Người bệnh huyết áp cao nên điều
trị, kiểm soát, giữ chỉ số huyết áp ổn định 120-130 mmHg để phòng đột quỵ.
Nếu bạn thừa cân, béo phì, cần giảm cân và kiểm soát cân nặng,
giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) phù hợp hoặc dùng thêm các loại thuốc hạ mỡ máu
theo chỉ định của bác sĩ. Hạn chế nội tạng, da, mỡ động vật, rượu bia, chất
kích thích. Ưu tiên dùng mỡ cá, dầu ô liu, ăn theo chế độ Địa Trung Hải có
nhiều rau, củ, quả, các loại hạt. Tập thể dục thường xuyên với mức độ vừa phải,
ít nhất 30 phút mỗi ngày hoặc tùy theo tình trạng sức khỏe cũng giúp phòng ngừa đột quỵ.
Các bệnh nền khác có thể gây đột quỵ bao gồm đái tháo đường,
bệnh tim, rung nhĩ... Nếu điều trị tốt, ổn định được mức đường huyết, kiểm soát
tốt rối loạn nhịp tim, rung nhĩ thì khả năng xảy ra thấp.
Mỗi người nên khám sức khỏe và tầm soát
đột quỵ định kỳ, ví dụ 6 tháng một lần. Thông qua các xét
nghiệm, chụp chiếu chuyên sâu, bác sĩ có thể phát hiện sớm các bất thường dù
nhỏ nhất ở tim, mạch máu, não hay các vùng khác của cơ thể. Từ đó, chủ động can
thiệp điều trị dự phòng, ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả.
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức
Trưởng
khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Nhận xét
Đăng nhận xét