Cách uống cà phê lành mạnh
Hạn chế dùng đường, thêm quế và ca cao vào cà phê để cung cấp thêm chất chống oxy hóa giúp tăng lợi ích phòng bệnh, tốt cho sức khỏe.
Uống cà phê không đường
Cà phê có lợi cho sức khỏe khi dùng đúng lúc, đúng cách. Đồ uống
này có thể kích thích hệ thần kinh trung ương chống lại mệt mỏi, tăng mức năng
lượng. Thời điểm tốt để uống cà phê là sau khi dùng bữa sáng, đầu giờ chiều.
Một số món ăn lành mạnh có thể kết hợp với đồ uống này bao gồm ngũ cốc nguyên
hạt, trái cây.
Thêm đường vào cà phê có thể làm tích tụ chất béo, tăng nguy cơ
phát triển thành bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ, tiểu đường. Tiêu thụ quá nhiều
đường bổ sung còn thúc đẩy tình trạng viêm mạn tính và huyết áp cao, ảnh hưởng
đến sức khỏe tim mạch. Người thích vị ngọt nên đo lượng đường thêm vào cà phê
hoặc sử dụng các gói chia sẵn. Thông thường một gói là khoảng một muỗng cà phê.
Thêm quế, ca cao vào cà phê
Quế là thảo mộc thơm ngon, kết hợp với cà phê giúp
giảm vị đắng, tốt cho sức khỏe. Quế có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm,
kháng khuẩn, bảo vệ các tế bào tim và não khỏi bị stress oxy hóa. Loại gia vị
này góp phần giảm lượng đường trong máu.
Ca cao chứa các thành phần giúp giảm huyết áp, hạn chế trầm cảm.
Đây cũng là nguồn thực vật giàu chất sắt và chất chống oxy hóa. Ngoài ca cao,
người dùng có thể thêm gừng vào cà phê để đem đến lợi ích chống viêm, giảm đau
cơ, hỗ trợ tiêu hóa và hạ mức cholesterol xấu.
Tránh thêm kem
Dù lượng chất béo có trong kem thấp nhưng mỗi người cần tránh
tiêu thụ. Thêm kem nhân tạo vào cà phê làm giảm lợi ích vốn có của nó. Thay thế
kem bằng sữa để tận dụng canxi lành mạnh này, giảm nguy cơ loãng xương và gãy
xương.
Không uống khi đói
Uống cà phê lúc đói có nguy cơ kích thích axit trong dạ dày, gây
ợ nóng, tiêu chảy, nôn nao, nóng rát ở ngực. Sử dụng cà phê khi bụng trống rỗng
còn giảm khả năng kiểm soát lượng đường trong máu. Theo thời gian, tình trạng
này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ăn lót dạ một số món nhẹ trước khi
uống để tốt hơn cho sức khỏe.
Tránh dùng quá nhiều
Caffeine có công dụng tăng cường tỉnh táo bằng cách ngăn chặn
tác động của adenosine - một chất hóa học trong não gây mệt mỏi. Tuy nhiên, ở
liều cao hơn, người uống có thể xuất hiện cảm giác lo lắng và hồi hộp. Tiêu thụ
từ 1.000 mg trở lên mỗi ngày dễ bị căng thẳng, bồn chồn.
Lượng caffeine cao còn làm tăng thời gian đi vào giấc ngủ. Đồ
uống này cũng có thể làm giảm tổng thời gian ngủ, nhất là ở người cao tuổi. Chú
ý đến liều lượng và thời gian sử dụng caffeine để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Lê Nguyễn (Theo Eat this, Not that)
Nhận xét
Đăng nhận xét