Thừa cân làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ
Thừa cân làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ, do cân nặng dư gây căng thẳng cho tim và ảnh hưởng đến lưu lượng máu.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, chỉ số khối cơ thể (BMI) nhỏ hơn 18,5 là thiếu cân; cân nặng khỏe mạnh khoảng 18,5-24,9; thừa cân khi BMI trong khoảng 25-29,9. Chỉ số BMI từ 30 trở lên là béo phì. Người mắc bệnh béo phì có chỉ số BMI từ 40 trở lên.
Chỉ số BMI được tính bằng cách lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Các nghiên cứu cho thấy chỉ số BMI cao hơn bình thường làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Nghiên cứu năm 2017 của Đại học Helsinki, Phần Lan và một số đơn vị, trên hơn 120.000 người trưởng thành, cho thấy thừa cân làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ. Điều này phần lớn liên quan đến cân nặng dư gây căng thẳng cho tim và ảnh hưởng đến lưu lượng máu.
Nghiên cứu năm 2015 của Đại học Maryland, Mỹ, trên hơn 2.300 người (15-49 tuổi), chỉ ra nam thanh niên béo phì có nguy cơ đột quỵ cao hơn 73% nam giới có chỉ số BMI khỏe mạnh. Phụ nữ trẻ tuổi béo phì cũng có nguy cơ đột quỵ cao hơn 46% phụ nữ có chỉ số này khỏe mạnh.
Theo các nhà nghiên cứu, béo phì là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ khởi phát ở người trẻ và có thể do tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc các tình trạng khác liên quan.
Nghiên cứu năm 2012 của Bệnh viện Đại học Antwerp, Bỉ, trên 10.000 người (20-59 tuổi), cũng cho thấy thừa cân dẫn đến huyết áp cao, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Thừa cân cũng dẫn đến hội chứng chuyển hóa, đặc trưng bởi cholesterol cao, chất béo trung tính và tăng lượng đường trong máu. Theo thời gian, những tình trạng này gây tổn hại cho các mạch máu não và tim, đồng thời làm tăng khả năng hình thành cục máu đông.
Các nhà nghiên cứu cho rằng người mắc hội chứng chuyển hóa có nguy cơ đột quỵ cao gấp ba lần người không gặp tình trạng này. Người béo phì không có yếu tố nguy cơ chuyển hóa vẫn có khả năng đột quỵ cao hơn.
Người thừa cân cũng có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn - yếu tố làm tăng khả năng đột quỵ, bệnh tim, tiểu đường, theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Mỹ. Người được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa nếu có từ ba yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, cholesterol LDL cao, đường huyết cao, triglyceride cao (một loại chất béo có trong máu), mỡ thừa ở vùng bụng. Người có càng nhiều yếu tố nguy cơ chuyển hóa thì nguy cơ đột quỵ càng cao.
Giảm cân và kiểm soát các bệnh liên quan có thể giảm khả năng đột quỵ. Theo Tổ chức Đột quỵ Thế giới, người thừa cân giảm 7-10% trọng lượng cơ thể cũng giúp kiểm soát huyết áp cao, tiểu đường và các yếu tố nguy cơ đột quỵ khác.
Để giảm cân hiệu quả, người thừa cân nên tập thể dục thường xuyên, ít nhất 150 phút cường độ vừa phải hoặc 75 phút tập thể dục mạnh mỗi tuần; ăn uống lành mạnh và cân bằng. Ưu tiên thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, kali, canxi, vitamin giúp giảm viêm trong cơ thể như rau, trái cây, cá, các loại hạt và đậu, ngũ cốc nguyên hạt để đạt được cân nặng khỏe mạnh.
Hạn chế natri (muối) vì ăn quá nhiều gây huyết áp cao, đồng thời giảm tiêu thụ đường bổ sung, đồ ngọt do chúng có thể làm tăng lượng đường trong máu.
Cắt giảm nhiều calo quá nhanh không an toàn. Thay vào đó, người thừa cân nên đặt mục tiêu giảm khoảng 0,5-1 kg mỗi tuần, có thể ăn ít hơn 500 đến 1.000 calo mỗi ngày so với mức cần thiết.
Cách tính tổng lượng calo để duy trì cân nặng là nhân trọng lượng hiện tại tính bằng pound (0,45 kg) với 15. Ví dụ: một người nặng 170 pound (76, 5 kg) cần ăn 2.550 calo mỗi ngày để duy trì cân nặng hiện tại. Để giảm cân, người này cần đặt mục tiêu chỉ ăn từ 1.550 đến 2.050 calo mỗi ngày.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Nhận xét
Đăng nhận xét