Khói hương ảnh hưởng đến người viêm mũi xoang thế nào

 Nhang làm từ các hóa chất có nguy cơ gây kích ứng mũi xoang, làm tăng nặng hơn triệu chứng bệnh như nghẹt mũi, chảy nước mũi.

Thắp hương là nét văn hóa truyền thống của người Việt. Nhiều người thắp hương cầu bình an, tài lộc, may mắn trong năm mới. Vô hình trung làm tăng tác nhân dị ứng, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là người có tiền sử bệnh đường hô hấp, viêm xoang, viêm mũi họng dị ứng, hen suyễn.

ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nhang với thành phần chính là bột kết dính, mạt gỗ, bột áo. Khói hương tương tự như khói của nhiều vật liệu cháy khác, đều chứa các loại khí độc hại cho đường hô hấp như CO, CO2, N2, tro than và bụi. Người hít phải dễ ngạt khói, sặc, ho, khó thở, cay mắt, chảy nước mũi.

Một số loại nhang được cho thêm hương liệu làm kích thích khứu giác mạnh. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều loại nhang được cho thêm thành phần hóa chất như H3PO4, P2O5, este photphat, lưu huỳnh, formaldehyde, kim loại nặng... để tăng độ thơm và giữ tàn lâu.

Người mắc bệnh viêm mũi dị ứng, viêm xoang nếu hít phải các chất trên có các triệu chứng như hắt hơi liên tục, ngứa mũi, chảy nước mũi, sổ mũi, nghẹt mũi, chảy dịch mũi lỏng trong suốt như nước lã.

Theo bác sĩ Hằng, nhang đốt lên giải phóng ra nhiều thành phần có hại, bao gồm hydrocarbon thơm đa vòng (PAH), benzen và carbonyl gây độc cho phổi, tăng nguy cơ ung thư biểu mô đường hô hấp, ung thư phổi.


Nhang khi đốt giải phóng nhiều chất có hại cho mũi xoang và phổi. Ảnh minh họa: Freepik© Được VnExpress cung cấp

Bác sĩ Hằng khuyên người viêm mũi xoang nên hạn chế đến các khu vực có mật độ nhang khói cao như đền, chùa... vào ngày Tết. Nếu đến những nơi này, bạn cần đeo khẩu trang để tránh khói xâm nhập vào mũi. Trong nhà, chỉ nên thắp một nén hương mỗi lần. Khi thắp hương cần mở tất cả cửa sổ và cửa chính để thoáng gió.

Để phòng ngừa viêm xoang, viêm mũi dị ứng nghiêm trọng hơn trong mùa Tết, người bệnh nên tăng cường miễn dịch, tránh xa các tác nhân gây dị ứng như khói hương, phấn hoa...

Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, bảo vệ vùng mũi họng, đeo khẩu trang trong vùng có nguy cơ xuất hiện các chất gây dị ứng. Bổ sung một số loại trái cây, thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng và làm ấm cơ thể như cam, bưởi, gừng, hành... để ngăn ngừa và giảm nhẹ các triệu chứng.

Theo bác sĩ Hằng, nếu các triệu chứng của viêm xoang, viêm mũi dị ứng chỉ diễn ra vài thời điểm trong ngày, không ảnh hưởng đến sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi; người bệnh có thể tự vệ sinh mũi tại nhà bằng nước sạch, nước muối sinh lý hoặc nước rửa mũi chuyên dụng.

Khi tình trạng kéo dài, lặp lại liên tục, đảo lộn sinh hoạt, giảm chất lượng cuộc sống, người nên đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và điều trị sớm, tránh kéo dài gây ra biến chứng viêm mũi xoang nặng. Trường hợp có các triệu chứng nghiêm trọng như nghẹt mũi, sưng và đau nhức hốc mũi, ho nhiều, sốt, dị ứng nặng đến mức phù nề, thở khó... cần đến bệnh viện khám sớm.

Đăng Khoa

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

7 thực phẩm tốt cho xương khớp

NHỮNG NGƯỜI KHÔNG NÊN ĂN LẨU

Lời bài hát TRƯỜNG LÀNG TÔI