Nguy cơ đột quỵ khi thiếu máu não thoáng qua

Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) không gây hậu quả nghiêm trọng ngay lập tức nhưng có thể tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ trong thời gian ngắn sau đó.

Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) thực chất là cơn đột quỵ nhỏ. Các cơn đột quỵ nhỏ xảy ra khi các cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu, khiến máu tạm thời không thể lưu thông đến não. Các cục máu đông này thường khá nhỏ nên sự gián đoạn lưu lượng máu đến não không đủ lớn và lâu để gây ra các tổn thương vĩnh viễn cho não.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần Kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, các tác động ngắn hạn của cơn đột quỵ nhỏ có thể giống với đột quỵ bao gồm các bất thường ở mặt, miệng, mắt, giọng nói, tâm trạng... Sự hiện diện và mức độ của các triệu chứng ngắn hạn này phụ thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng do thiếu cung cấp máu.

Các dấu hiệu nhận biết cơn đột quỵ nhỏ thường xảy ra trong thời gian ngắn, có thể gây khó khăn cho người bệnh nhận biết bao gồm yếu liệt các chi, mặt (thường xảy ra ở một bên của cơ thể); nói lắp, nói khó hoặc khó nghe, hiểu được xung quanh; nhìn khó, nhìn đôi ở một mắt hoặc cả hai; chóng mặt, dễ mất thăng bằng...

Bác sĩ Minh Đức cảnh báo, mặc dù các cơn đột quỵ nhỏ không gây hậu quả vĩnh viễn ngay lập tức nhưng nó cảnh báo nguy cơ đột quỵ có thể tấn công bất cứ lúc nào trong thời gian ngắn sau đó. Khoảng 30% người từng bị TIA sẽ bị đột quỵ trong vòng 6 tháng tiếp theo, thậm chí nguy cơ có thể kéo dài đến vài năm sau.

"Người bệnh cần nhận biết được các dấu hiệu khi xảy ra, dù chỉ trong thời gian ngắn để đi khám, tầm soát đột quỵ kịp thời. Bởi can thiệp càng sớm, hiệu quả càng cao", bác sĩ Minh Đức nói.

Chóng mặt, đau đầu có thể do cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Ảnh: Freepik© Được VnExpress cung cấp

Hiện nay tại phần lớn các bệnh viện có chuyên khoa thần kinh đều có khám tầm soát đột quỵ. Ví dụ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cung cấp nhiều gói tầm soát đột qụy khác nhau từ cơ bản đến nâng cao tùy từng trường hợp. Người bệnh được khám lâm sàng và chỉ định các cận lâm sàng liên quan như chụp MRI, CT, DSA, X-quang, MRA... Người bình thường sẽ được khảo sát các nguy cơ thường gặp gồm bệnh lý và tiền sử gia đình, xét nghiệm tổng quát công thức máu, nước tiểu, đường huyết, bộ mỡ, ECG... kết hợp siêu âm ngực, mạch cảnh - đốt sống.

Với trường hợp có nguy cơ cao hay có tiền sử từng đột qụy, bác sĩ có thể đánh giá chuyên sâu thêm về dị dạng mạch máu não, khảo sát mạch máu não nội sọ hay các nguy cơ hiếm gặp bao gồm các chỉ định xét nghiệm bộ tăng đông, kháng đông lupus, chức năng tuyến giáp, tầm soát rung nhĩ cơn...

Để phòng tránh các cơn đột quỵ nhỏ, các yếu tố nguy cơ cần được kiểm soát như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, xơ vữa động mạch, lối sống thiếu khoa học... Lưu ý các yếu tố không thể kiểm soát như tiền sử gia đình, di truyền, tuổi tác, giới tính... còn giúp bạn chủ động tầm soát định kỳ phù hợp.

                 Sanh Diệp-VnExpress 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

7 thực phẩm tốt cho xương khớp

NHỮNG NGƯỜI KHÔNG NÊN ĂN LẨU

Lời bài hát TRƯỜNG LÀNG TÔI