75B. Phân biệt rau ngổ

 1.     Rau ngổ, Ngổ trâu, Ngổ đất, Ngổ dại. Tên khoa học Enydra fluctuans Lour. Thuộc họ Cúc - Asteraceae.

                                 Rau Ngổ, Ngổ dại

Mô tả: Cây thảo sống nổi hay ngập nước, dài hàng mét, phân cành nhiều, có đốt. Thân hình trụ, có rãnh. Lá mọc đối, không cuống, gốc hơi rộng và ôm lấy thân, mép có răng cưa. Cụm hoa dạng đầu, không cuống bao bởi hai lá bắc hình trái xoan tù, màu lục. Hoa cái và hoa lưỡng tính đều sinh sản. Quả bế không có mào lông. Cây ra hoa từ tháng 11-12 đến tháng 4 năm sau. 

Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Enydrae Fluctuantis. 

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Ðộ, Nam Trung Quốc, Việt Nam tới Inđônêxia. Ở nước ta cây mọc hoang trong các ao hồ, mương máng và cũng được trồng làm rau ăn sống hay nấu canh. 

Thành phần hoá học: Rau ngổ có các thành phần sau (tính theo%) nước 92,2; protein 1,5; lipid 0,3; collulose 2,0; dẫn xuất không protein 3,8; khoáng toàn phần 0,8. Còn có các caroten, vitamin B và vitamin C. Cây khô chứa tinh dầu 0,2% stigmastero, 0,05% và một lượng nhỏ một chất đắng là enydrin. 

Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính mát, mùi thơm, không độc; có tác dụng thông hoạt trung tiện, tiểu tiện, mát huyết, cầm máu. 

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Người ta trồng rau ngổ lấy cành lá non thơm để nấu canh chua, cũng có thẻ ăn sống làm gia vị. Cây được dùng làm thuốc chữa cảm sốt, cầm máu băng huyết, thổ huyết, hạt dùng trị bệnh về gan mật và thần kinh. Lá nghiền đắp vào da trị phát ban, mụn rộp. Liều dùng 12-20g dạng thuốc sắc dùng ngoài không kể liều lượng. 

Ðơn thuốc: 

1. Chữa bí trung tiện, bí đái, đái ra máu băng huyết do nóng; Rau ngổ tươi 30g giã nát, cho thêm nước chín để nguội, khuấy đều, lọc lấy nước bỏ bã, pha thêm đường để uống. 

2. Cầm máu vết thương: Giã nát cành lá rau ngổ tươi, gói vào gạc rồi băng vào vết thương. 

3. Viêm tấy: Rau ngổ tươi giã đắp. 

4. Ăn uống không tiêu, đầy bụng: Rau ngổ 16g, Nam mộc hương 15g, nước 750ml, sắc còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày. 

2. Rau om, Ngò om hay Ngổ hương. Tên khoa học Limnophila aromatica (Lam) Merr. Tên đồng nghĩa: Ambulia aromatica Lam, Thuộc họ Hoa mõm sói - Scrophulariaceae. (loài này thường được dùng làm gia vị)

                                           Rau Om, Ngổ hương

Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm cao 15-30cm, thân mập giòn, rỗng ruột, có nhiều lông. Lá đơn, không cuống, có lông, mọc đối hoặc mọc vòng 3-5, lá mép lá hơi có răng cưa thưa, mặt dưới lá có nhiều đốm tuyến màu xanh. Hoa thường mọc đơn độc ở nách lá, không đều, cuống dài 1,5cm. Ðài hình chuông, chia 5 răng, dài 4-5mm. Tràng dài gấp đôi đài, chia 2 môi, cánh hoa màu tím nhạt. Nhị 4, chỉ nhị ngắn. Vòi nhuỵ nhẵn, đầu nhuỵ chẻ đôi. Quả nang hình trứng, không lông, nằm trong đài, chứa nhiều hạt.  

Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Limnophilae Aromaticae.  

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Ðộ, Xri Lanca, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Inđônêxia, Philippin, Bắc úc, Niu Ghinê và Micronêdi. Ở nước ta cây mọc hoang ở ao, rạch, mương và cũng được trồng làm gia vị. Thu hái toàn cây quanh năm, rửa sạch, cắt từng đoạn, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.  

Thành phần hoá học: Rau om chứa tinh dầu, flavonoid, tanin.  

Tính vị, tác dụng: Vị cay, hơi chát, tính mát, mùi thơm có tác dụng thanh nhiệt chỉ khái, giải độc, tiêu thũng. Rễ có tác dụng làm dãn cơ phủ tạng như ruột, thận, do đó mất các cơn đau bụng. Nó còn làm dãn mạch, tăng lực thận, tăng lượng nước tiểu, tạo thuận lợi cho việc tống sỏi ra ngoài.  

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị: 1. Cảm, ho gà; 2. Sỏi đái ra máu; 3. Rắn độc cắn; 4. Ðinh nhọt và viêm mủ nhiễm trùng ecepet mảng tròn, ngứa sần. Ở Quảng Ðông (Trung Quốc) còn dùng trị đòn ngã dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài lấy cây tươi đắp. Người có thai không dùng.  

Ðơn thuốc:  

1. Cảm lạnh: Rau om 15-30g sắc uống.  

2. Rắn độc cắn: Rau om 15g xuyên tâm liên 25g, giã thêm ít rượu nếp, vắt nước uống còn bã dùng đắp vết thương.  

3. Nhiễm trùng ecpet mảng tròn: ép dịch lá rau ôm hoặc nấu nước để rửa.  

4. Sỏi thận: 20-30g cây tươi giã ra, thêm nước uống, dùng cây khô với liều ít hơn, sắc nước uống. 

Tóm lại, cả ngổ trâu và ngổ hương đều có thể làm thuốc. Tùy bệnh, độc giả có thể chọn rau ngổ để chữa. Kính chúc độc giả thành công.

                       Nguồn https://ydhvn.com/

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

7 thực phẩm tốt cho xương khớp

NHỮNG NGƯỜI KHÔNG NÊN ĂN LẨU

Lời bài hát TRƯỜNG LÀNG TÔI