HỒ HOÀN KIẾM & NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT.
Ngồi với ông bạn Sài gòn ven hồ Hoàn Kiếm, dưới tán lá xum xuê cây lộc vừng gần ngã tư Lê Thái Tổ- Hàng Khay. Nhâm nhi ly cà phê phin trong ánh hoàng hôn rớt xuống mặt hồ, phóng mắt nhìn tháp Rùa và bưu điện thành phố bờ đối diện. Thu vàng ánh lên trên các hàng cây ven hồ, phía xa cầu Thể Húc,tháp Bút, đền Ngọc Sơn rực rỡ hơn lên trong ánh chiều chạng vạng. Gió heo may làm xao động mặt hồ phản chiếu ánh sáng lấp loáng như ánh bạc. Ông bạn thốt:” Đẹp quá, Hà nội hẳn nhất nơi này”. Tôi trêu:” Quảng trường Ba đình sao? “. Hắn hững hờ:” Khu vực tập trung quyền lực thì đúng. Cảnh quan sao sánh nơi này”. Tôi yên lặng, thả hồn chốn bồng lai tiên cảnh cùng hắn.
Theo dư địa chí, hồ Hoàn Kiếm có từ thế kỷ mười lăm rộng mười hai ha gồm tả vọng và hữu vọng. Hồ được huyền thoại hoá bởi câu chuyện đẹp: Vua Lê Thái Tổ trả gươm cho Rùa vàng khi đánh đuổi giặc Minh xong. Người Việt mong hoà hiếu, yên ổn làm ăn. Mục tiêu quốc thái dân an thể hiện rõ qua câu chuyện đậm chất sử thi này. Thời Lê trung hưng có tên hồ Lục thủy hay hồ thủy quân bởi binh linh Lê- Trịnh luyện quân trên hồ. Phủ chúa Trịnh nằm kề đó, khuôn viên rộng, nay giới hạn bới các phố: Bà Triệu , Quang Trung(trục bắc nam) Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng( trục đông tây). Công trình đầu tiên có mặt tại hồ là đền Ngọc Sơn. Trước đền tên Tượng Nhĩ khi Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Đời Trần mới mang tên Ngọc Sơn. Cung Thụy Khánh nhà chúa chính nơi này, cung bị đốt bởi Lê Chiêu Thống(1788), trả hận nhà chúa ức hiếp vua Lê bấy nay. Phim Đêm hội Long Trì khắc hoạ rõ nét cảnh sinh hoạt xa hoa phù phiếm nơi nhà chúa trên chính mặt hồ này. Ai chưa xem bỏ chút thời gian xem nhé, bia bọt đánh chén tuỳ lúc tuỳ nơi thôi? Sát hồ có chùa Báo Ân( khoảng đất bưu điện nay) người Pháp dỡ bỏ năm 1898. Đi dạo quanh hồ gặp tháp Hoà Phong, vật duy nhất còn sót lại của chùa. Tiện đây cung cấp các bạn: Nhà thờ lớn Hà nội được xây trên nền đất chùa Báo Thiên, ngôi chùa có từ thời Lý Trần. Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ lấy lý do chùa đổ nát bàn giao khu đất cho người Pháp, một hành vi hèn hạ nhục nhã. Pháp xây và hoàn thành nhà thờ năm 1886. Trong thời gian này họ lấp hồ hữu vọng còn lại hồ tả vọng chính là hồ Hoàn Kiếm nay. Người Pháp xây tháp Rùa mang kiến trúc châu Âu (1886). Gắn với hồ là câu chuyện lâm ly ai oán về tượng nữ thần Tự do, dân quen gọi Bà đầm xoè. Thiết kế chiếc váy rộng để thích ứng với khí hậu nóng ẩm( giảm thiểu sự giãn nở kim loại). Sau lễ ra mắt tại nhà Đấu Xảo( cung văn hoá Việt-Xô nay)tượng dựng tại vườn hoa nhà kèn(1887) nay là vườn hoa Lý Thái Tổ. Ngày quốc khánh Pháp( 14/7/1890) có quyết định rời Bà đầm xoè lên nóc tháp Rùa nhường chỗ ni cho quan lớn toàn quyền Đông dương Paul Bert. Nữ thần Tự do ngự trên nóc tháp Rùa với chiếc váy tung bay trước gió hẳn không thuận mắt thị dân Hà nội. Vậy là sau sáu năm thoẻ thê ngắm hồ, năm 1896 một lần nữa tượng được đưa về vườn hoa Cửa Nam. Vườn hoa xưa tên gọi Quảng Văn đình, nơi tập trung dân chúng nghe tuyên cáo chính quyền. Tưởng đã yên thân, nào ngờ, ngày 1/8/1945 cùng với việc đổi lại tên phố của thị trưởng Trần Văn Lai là việc người dân hè nhau giật đổ tượng Bà đầm xoè, toàn quyền Paul Bert, thống chế Ferdinand Foch...Chính phủ Trần Trọng Kim muốn xoá bỏ tàn tích thực dân mà. Cùng thời điểm, chùa Ngũ Xã đúc tượng Adida nặng mười sáu tấn, huy động khắp nơi vẫn không đủ lượng đồng. Vậy là, nữ thần tự do, toàn quyền và thống chế... được nấu chảy trộn với đồng bản địa tạo ra bức tượng khổng lồ nay ngự tại chùa Ngũ Xã, địa danh nổi tiếng với nghề đúc đồng. Âu cũng là hoà quyện văn hoá Đông- Tây, có điều độc lập đã lâu mà tự do chưa thấy. Mỗi luật biểu tình, quyền cơ bản công dân bày tỏ thái độ trước chính quyền, nâng lên hạ xuống mãi vẫn chưa QĐ. Phí rượu. Mấy gã tào lao phán:” Thần tự do tụi bay đun chảy. Bà ấy rời xa xứ này rồi. Khổ thế”. Ngoài tượng nữ thần Tự do bên Hoa Kỳ có nhiều phiên bản nhỏ hơn vẫn được người dân trân quý giữ gìn. Tỷ như phiên bản trên sông Seine Paris, đâo Odaiba trên vịnh Tokyo...
Triều Nguyễn (1802-1945) chọn Phú Xuân làm kinh đô. Thăng Long là Bắc thành , trụ sở chính xứ Bắc hà. Kẻ sỹ Bắc Hà hẳn không chịu, dẫu gì đây là đất văn hiến. Họ chung sức làm đẹp hồ Hoàn Kiếm, địa danh thiêng liêng đất Bắc hà. Nguyễn Văn Siêu cùng kẻ sỹ Thăng Long làm cầu Thê Húc, đài Nghiên, tháp Bút. Ba công trình hoàn thành năm 1865. Việc đặt tên thể hiện tầng văn hoá kẻ sỹ. Thê Húc, nơi đậu ánh bình minh. Đài Nghiên, tháp Bút, viết lên trời xanh ý nguyện dân chúng. Gần chính ngọ, bóng tháp Bút rơi đúng đài Nghiên. Siêu thật, đúng Nguyễn Văn Siêu, không hổ danh “ thần Siêu, thánh Quát”. Giờ đây, ba địa danh trên cùng đền Ngọc Sơn là điểm du lịch có tiếng Hà nội, thêm nữa là Văn miếu Quốc tử giám và chùa Diên Hựu. Tôi biết có vậy, còn địa danh nào nhờ các bạn chỉ dùm.
Thả bộ quanh hồ theo vòng xoay ngược chiều kim đồng hồ ta gặp nhiều địa danh in đậm trong trí nhớ dân chúng. Bắt đầu từ đền Ngọc Sơn tháp Bút, đài Nghiên, sát đó là đền bà Kiệu. Ngôi đền cổ bị chia đôi bởi phố Đinh Tiên Hoàng. Sát đền là tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Tượng đài nhắc người dân nhớ mùa Đông 1946 hào hùng, bị tráng dân Hà nội. Ca khúc Người Hà nội , bài ca hay nhất về Hà nội lấy cảm hừng từ mùa Đông đó. Bài hát ra đời năm 1947.
Tiếp tục dạo bước sẽ đến Quảng trường đông kinh nghĩa thục và ga trung tâm xe điện . Quảng trường thời Pháp có tên Place Negrier, sau thị trưởng Trần Văn Lai đổi tên vậy. Quảng trường mang tên đó nhằm tôn vinh trường tư thục miễn phí Đông kinh nghĩa thục(1907) do cử nhân Lương Văn Can thành lập. Trường trên phố Hàng Đào, sát đó. Trường dạy chữ quốc ngữ, động viên Tây học, bởi lối học Khổng, Mạnh đã quá lạc hậu. Kỳ thi Khổng giáo cuối cùng triều vua Khải Định năm 1919. Hệ thống tàu điện hoàn thành năm 1929. Từ ga trung tâm Bờ Hồ tỏa ra các ngả xem như phủ kìn Hà nội. Từ Bờ Hồ nối các điểm cuối sau: Yên phụ, chợ Mơ, chợ Bưởi, Cầu Giấy, Hà đông,Ngã tư vọng. Đầu thế kỷ hai mươi nó được xem là biểu tượng và là phương tiện giao thông chính Hà nội. Thật tiếc khi bỏ nó?
Rời quảng trường đi trên phố Lê Thái Tổ nên dừng chân nhà số 16. Trong khuôn viên ngôi nhà có tượng Lê Thái Tổ dựng năm 1894 do Kinh lược sứ Bắc kỳ Hoàng Cao Khải khởi xướng. Sau năm 1954 ngôi nhà được lấy làm Câu lạc bộ thống nhất. Đây là nơi gặp gỡ đồng bào chiến sỹ miền Nam tập kết. Tối ba mươi Tết mọi người liên hoan không nỡ chia tay . Họ kéo nhau đi lòng vòng bờ hồ đợi xem pháo hoa và nghe cụ Hồ chúc Tết. Nét đẹp này nay vẫn còn lưu giữ. Sát vách nhà 16 là nhà 79 Hàng Trống. Căn nhà 79 nguyên là trụ sở hội Khai trí tiến đức, hội trưởng là Phạm Quỳnh. Thành viên là các nhân vật nổi tiếng, tỷ như: Thượng thư bộ binh kiêm bộ học Thân Trọng Huề( cậu vua Bảo Đại), tổng đốc Hà đông Hoàng Trọng Phu...Hội chủ trương giao lưu văn hoá Đông Tây, cổ vũ tây học. Thành tựu lớn nhất của hội là soạn bộ Từ điển Việt nam có tra cứu tiếng Pháp, Hán và góp tiền bạc công sức dựng tượng Lê Thái Tổ nói trên. Chữ quốc ngữ dần hoàn chỉnh và đẹp như nay có công lớn của cuốn Từ điển này. Tham gia soạn bộ từ điển là các trí thức tên tuổi: Phạm Quỳnh( chủ bút), Nguyễn Văn Vĩnh( tiếng Pháp) , Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ( tiếng Hán)...Sau cách mạng tháng tám với sắc lệnh ngày 24/9/1945 hội bị giải tán. Thật đáng tiếc.
Xuôi Lê Thái Tổ ta sẽ qua khách sạn Phú Gia, tiệm giải khát Bốn Mùa nổi tiếng thời bao cấp. Đi tiếp nữa dọc Hàng Khay ,rẽ trái theo phố Đinh Tiên Hoàng gặp tháp Hoà Phong cuối cùng vườn hoa Lý Thái Tổ. Tại đây uy nghi hoành tráng tượng Ngài. Bức tượng đẹp kỳ vĩ xứng với công lao vị minh quân. Tượng đài Hà nội không nhiều, duy nhất có tượng vua Lý Thái Tổ đạt tiêu chí: bề thế, sang trọng, uy nghi. Không tin mời bạn ngó tượng vua Quang Trung( gò Đống đa), Lý Tự Trọng( đường Thanh niên), tượng đài quyết tử( đền bà Kiệu, vườn hoa Hàng Đậu) có so sánh sẽ tin lời tôi nói.
Giọt nắng cuối cùng rơi xuống mặt hồ, trời nhá nhem tối. Hai tên lững thững dắt nhau đến nhà hàng BODEGA 57 Tràng Tiền đánh chén. Tay này học Nga trường năng lượng Moskva( MEI), mồi khi ra Hà nội tôi rủ hắn vô lăng , hắn im lặng không nói gì. Nể bạn, tôi không gặng hỏi.Bữa ni tự nhiên hắn kể( đã bảo đừng giữ, bí bức sinh bệnh đó):” Lớp đại học tao có đứa là con tay làm trong lăng Stalin. Nhiệm vụ tay đó là chăm chút đầu tóc, đặc biệt bộ ria nổi tiếng của lãnh tụ. Đùng một cái Nikita Khrushev lên. Gã trọc đầu hạ nhục Stalin ghê gớm,cao trào ra sắc lệnh đưa xác ra khỏi lăng rồi hỏa thiêu. Cha ni mất việc, gia đình nheo nhóc khổ sở, loay hoay mở tiệm cắt tóc độ nhật kiếm sống. Xưa thiên hạ réo: Chính trị rặt trò bỉ ổi. Thật đúng”. Tôi im lặng, đờ ra như sang chấn. Hai đứa nhìn nhau cùng thở dài.
Hung Thang Dang Bài
viết rất hay, chứng tỏ tác giả của "tút" này có một tình yêu lớn lao
với Hồ Hoàn Kiếm . Tôi phong Duy Sơn Vũ là
nhà “Hồ Gươm học” đấy !
Hồ Hoàn Kiếm chỉ có một, không có hai. Không ai có thể làm ra Hồ Hoàn Kiếm khác cho dù kỹ thuật hiện đại đến đâu và tiền nhiều đến mấy!
Sức hấp dẫn khu vực hồ Hoàn Kiếm biến nơi đây thành cỗ máy in tiển cho quận HK. Năm 2016, quận HK thu trên 5.200 tỷ đồng, năm 2017 đạt trên 6.000 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm 2018 đạt trên 5.700 tỷ đồng và ước cả năm 2018 đạt trên 7.500 tỷ đồng.
Hồ Hoàn Kiếm chỉ có một, không có hai. Không ai có thể làm ra Hồ Hoàn Kiếm khác cho dù kỹ thuật hiện đại đến đâu và tiền nhiều đến mấy!
Sức hấp dẫn khu vực hồ Hoàn Kiếm biến nơi đây thành cỗ máy in tiển cho quận HK. Năm 2016, quận HK thu trên 5.200 tỷ đồng, năm 2017 đạt trên 6.000 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm 2018 đạt trên 5.700 tỷ đồng và ước cả năm 2018 đạt trên 7.500 tỷ đồng.
Có một Hà Nội thật dễ thương…
VIETNAMNET.VN
2018 Tôi Đã VIẾT VỀ HỒ GƯƠM
Nhận xét
Đăng nhận xét